Di tích Đại nội Huế đang được bảo vệ thế nào?

Đại nội Huế rộng 5,2 km2,có hơn 100 công trình kiến trúc,là một phần của quần thể di tích cố đô Huế - kinh đô triều Nguyễn suốt từ năm 1802 tới 1945. Năm 1993,quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Việc quản lý,bảo tồn,phát huy giá trị di sản do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Huế,đảm nhận.

Riêng công tác bảo vệ di sản được giao cho Phòng Bảo vệ của Trung tâm phụ trách. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ các di tích,cổ vật,nhân viên bảo vệ còn kiêm kiểm soát vé,dọn dẹp vệ sinh di tích,hỗ trợ du khách tham quan. Nhân sự thuộc Phòng Bảo vệ là viên chức,hưởng lương ngân sách.

Đại Nội Huế rất rộng,có hơn 100 công trình kiến trúc. Ảnh: Võ Thạnh

Hiện Đại nội Huế có 4 tổ bảo vệ,mỗi tổ hơn 10 người,chia thành nhiều lớp,kết nối thông qua bộ đàm,điện thoại. Ngoài ra,Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn tổ chức đội cơ động tuần tra quanh di tích. Để giám sát từ xa,Trung tâm lắp đặt hệ thống camera an ninh với mật độ dày. Một số di tích không có cổ vật,ít khách tham quan được đấu thầu cho công ty vệ sĩ bảo vệ.

Đề cập đến công tác bảo vệ điện Thái Hòa sau sự cố du khách đập gãy ngai vàng ở điện,ông Trần Đình Thân,Trưởng phòng Bảo vệ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế,cho biết tổ bảo vệ điện Thái Hòa nằm chung với tổ bảo vệ điện Kiến Trung và Thái Bình Lâu,gồm 14 người. Công việc phân chia thành hai ca,mỗi ca 8 nhân viên thay phiên nhau trực.

Tại điện Thái Hòa luôn có hai nhân viên bảo vệ trực mỗi ca và 21 camera giám sát từ xa. Hàng năm,đội ngũ bảo vệ được tập huấn về nghiệp vụ bảo vệ,kỹ năng phòng cháy chữa cháy,cách sử dụng công cụ hỗ trợ như roi điện,gậy cao su. Các công cụ này được công an cấp giấy phép sử dụng.

Ngai vàng ở điện Thái Hòa được bảo vệ bằng hàng rào gỗ cao gần một mét. Ảnh: Võ Thạnh

Theo ông Thân,trước đây đội ngũ bảo vệ di tích Huế được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ như súng điện,roi điện,gậy cao su. Cách đây hai tháng,các công cụ hỗ trợ hết hạn,phải thu hồi. 20 ngày trước,Phòng Bảo vệ đã đề xuất Ban giám đốc Trung tâm xin mua lại công cụ hỗ trợ sau khi được tập huấn.

Tháng 6 tới,công an sẽ tập huấn sử dụng công cụ hỗ trợ cho các bảo vệ. Phòng đã đề xuất,chờ công an tập huấn xong,cấp phép thì mới đề xuất mua. "Việc mua và sử dụng các công cụ hỗ trợ sẽ theo hướng dẫn,giấy phép của phía công an. Hàng năm công an sẽ kiểm tra cách quản lý,sử dụng công cụ hỗ trợ thế nào,có biên bản bàn giao",ông Thân nói.

Ông Thân đánh giá sự cố đập gãy ngai vàng là "hy hữu,anh em bảo vệ đã xử lý phù hợp". Tổ bảo vệ đã mời các du khách ra khỏi điện Thái Hòa,đóng cửa để dẫn dụ Tâm rời khỏi ngai vàng,thuận lợi trong khống chế. Điện Thái Hòa ngoài bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn còn đang trưng bày nhiều cổ vật quý giá,như bảo vật quốc gia cặp tượng rồng thời vua Thiệu Trị,đồ sứ triều Nguyễn nên phải thận trọng khi tiếp cận.

Nhìn nhận về sự cố với ngai vàng triều Nguyễn,bà Cécile Le Pham,chủ sở hữu Bảo tàng mỹ thuật Cécile Pham ở TP Huế,cho rằng việc bảo vệ tại các điểm di tích,trưng bày cổ vật quý giá còn "khá lỏng lẻo,không chuyên nghiệp". Nhiều cổ vật quý giá không được trưng bày,bảo quản trong khu vực kính cường lực,tránh sự xâm hại của khách tham quan.

"Khu vực trưng bày các cổ vật giá trị như ngai vàng triều Nguyễn cần được trang bị thêm hệ thống còi báo động từ xa. Lực lượng bảo vệ những nơi này cần có chuyên môn,chuyên nghiệp trong việc xử lý sự cố bất ngờ và trang bị dụng cụ hỗ trợ",bà Cécile Le Pham góp ý.

Nhiều hiện vật ở điện Kiến Trung,thuộc Đại nội Huế,được bảo vệ bằng kính cường lực. Ảnh: Võ Thạnh

Ông Hoàng Việt Trung,Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế,thừa nhận nhiều công cụ hỗ trợ dành cho bảo vệ di tích đã hết hạn,phải thu hồi. Sắp tới,sau khi công an tập huấn việc sử dụng công cụ hỗ trợ cho bảo vệ,đơn vị sẽ mua lại roi điện để trang bị.

Về đề xuất lắp thiết bị bảo vệ ngai vàng,ông Trung nói đơn vị đang bảo quản và trưng bày hàng nghìn hiện vật triều Nguyễn. Mỗi hiện vật có kích thước,hình thức bảo quản,bảo vệ riêng. Cổ vật nhỏ sẽ được bảo vệ trong lồng kính nhỏ cường lực.

"Trước đây,có một số ý kiến đề xuất lắp lồng kính cường lực bảo vệ cho ngai vàng triều Nguyễn,song không hợp lý. Khu vực đó là không gian di sản,vì bảo vệ mà can thiệp quá mức thì không được. Có ý kiến dựng hàng rào cao quá đầu người để tránh người trèo vào,song cũng không được bởi sẽ làm ảnh hưởng tầm quan sát của du khách",ông Trung nói.

Để phòng tránh sự cố tương tự,ông Trung cho biết thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật,đặc biệt là bảo vật quốc gia. Cụ thể là tập trung vào các giải pháp: tăng cường thiết bị an ninh,công cụ hỗ trợ; tăng cường bảo vệ,tập huấn xử lý tình huống an ninh,phát hiện ngăn chặn từ sớm hiện tượng nghi vấn...

Ngai vàng triều Nguyễn bị đập gãy

Hồ Văn Phương Tâm la hét,đập phá ngai vàng triều Nguyễn. Video: Xuân Hoa

Trước đó 11h55 ngày 24/5,Hồ Văn Phương Tâm,42 tuổi ở phường Hương Long,quận Phú Xuân đã lẻn vào khu vực trưng bày bảo vật ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa,ngồi lên và đập gãy phần tựa phía trước tay bên trái. Hiện người này đã bị công an tạm giữ.

Ngai vua triều Nguyễn là hiện vật gốc,được chế tác dưới thời vua Gia Long,đặt ở điện Thái Hòa. Ngai vàng này là chứng nhân lịch sử 13 đời vua triều Nguyễn,kéo dài 143 năm. Tháng 1/2016,ngai vàng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Võ Thạnh

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
© Bản quyền 2009-2020 Báo công ty      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap