Quan chức các cảng ở Bờ Tây nước Mỹ cho biết trước đó một tuần,có tới 41 tàu dự kiến rời Trung Quốc đến tổ hợp cảng San Pedro Bay ở California,gồm cảng Los Angeles và Long Beach. Tuy nhiên,sáng 10/5,con số này là 0. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra kể từ đại dịch.
Điều khiến các quan chức lo ngại không chỉ là việc số tàu giảm sút,mà còn là tốc độ sụt giảm. "Đây là điều đáng báo động. Số tàu hủy chuyến và lượng tàu đến hiện tệ hơn cả đợt Covid-19",Giám đốc cảng Long Beach Mario Cordero cho biết.
Các cảng nhộn nhịp nhất nước Mỹ đang ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng về hàng hóa. Cảng Long Beach giảm 35-40% so với thông thường. Cảng Los Angeles giảm 31% tuần trước. Cảng New York và New Jersey cũng đang chuẩn bị cho kịch bản này. Ngày 7/5,cảng Seattle cho biết thậm chí không có tàu container nào cập cảng.
"Không còn hàng hóa nào được vận chuyển đến đây nữa",Ryan Calkins - một lãnh đạo tại cảng Seattle cho biết trên CNN.
Container tại cảng Los Angeles (California) ngày 5/5. Ảnh: Reuters
Tháng trước,Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu bổ sung 145% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến số tàu chở hàng đến các cảng Mỹ giảm mạnh. Với nhiều doanh nghiệp,chi phí giao thương với Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ - đang trở nên quá đắt đỏ.
Cuối tuần trước,quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sĩ) để bàn về vấn đề thương mại. Sau cuộc họp,phía Mỹ cho biết đã đạt được một thỏa thuận giúp giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Theo Hải quan Trung Quốc,năm ngoái,thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 361 tỷ USD.
Trên Xinhua,Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đánh giá cuộc đàm phán đã diễn ra sâu sắc,thẳng thắn và mang tính xây dựng. Quan chức cấp cao Trung Quốc cũng xác nhận hai bên đã đạt được một loạt đồng thuận quan trọng,nhất trí thiết lập cơ chế tham vấn kinh tế và thương mại. Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm hoàn tất các chi tiết liên quan và đưa ra tuyên bố chung vào ngày 12/5.
Tuy vậy,để đạt thỏa thuận thương mại toàn diện,hai nước có thể phải mất thêm nhiều thời gian. Với người tiêu dùng,vốn đang đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao và thiếu hụt một số mặt hàng,Cordero cảnh báo thỏa thuận sẽ không đến kịp thời.
"Nếu tình hình không sớm thay đổi,các kệ hàng có thể phải bỏ trống. Người tiêu dùng sẽ cảm nhận rõ điều đó trong 30 ngày tới",Cordero nói.
Hiện tại,khoảng 63% hàng hóa cập cảng Long Beach đến từ Trung Quốc. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các cảng tại Mỹ. Con số này giảm từ mức 72% năm 2016,trước khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Dù vậy,Trung Quốc vẫn là nguồn cung hàng hóa lớn cho Mỹ. Maersk - hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới - cho biết trên CNN rằng giao dịch hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc hiện giảm 30-40% so với thông thường.
"Nếu căng thẳng với Trung Quốc không sớm hạ nhiệt và Mỹ không có thêm các thỏa thuận thương mại,những hệ quả hiện tại sẽ kéo dài,gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn",CEO Maersk Vincent Clerc cảnh báo.
Hà Thu (theo CNN,Reuters)