Theo Reuters,Agus Gumiwang Kartasasmita,Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia,cho biết Apple tiếp tục bị cấm bán iPhone 16. Dù đồng ý xây nhà máy sản xuất,công ty chưa đáp ứng quy định về tỷ lệ nội địa hóa.
Indonesia yêu cầu thiết bị được bán tại đây phải có từ 35% đến 40% thành phần sản xuất trong nước. Trước đây,các công ty như Apple có thể đáp ứng bằng cách đầu tư vào phát triển và tạo việc làm trong nước,nhưng hiện Indonesia không chấp nhận.
Ông Agus đã gặp Nick Ammann,Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu của Apple,ngày 7/1 để thảo luận về đề xuất đầu tư.
Mở hộp iPhone 16 Pro và 16 Pro Max. Ảnh: Tuấn Hưng
Nhà máy của Apple và đối tác dự kiến được xây dựng tại Batam,thuộc quần đảo Riau gần Singapore,mở cửa năm 2026 và sản xuất AirTags,tuy nhiên Indonesia cho rằng điều này không liên quan.
Sau cuộc họp,ông Agus tuyên bố: "Một tỷ USD chưa đủ. Không có cơ sở nào để cấp chứng nhận nội địa hóa và Apple được phép bán iPhone 16,vì nhà máy đó không có liên hệ trực tiếp với linh kiện iPhone. Indonesia chỉ chấp nhận đối với linh kiện điện thoại"
Trước lệnh cấm vào tháng 10/2024,Apple tuân theo chính sách nội địa hóa nhờ tạo ra bốn học viện phát triển địa phương với khoản đầu tư 110 triệu USD.
Theo Apple Insider,quy định 40% thành phần phải sản xuất trong nước rất khó để bất kỳ nhà sản xuất nào đạt được. Hiện Apple chưa có nhà máy tại Indonesia. Dù vậy,thỏa thuận một tỷ USD cho thấy nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Tổng thống Prabowo Subianto và chiến lược gây áp lực lên các công ty quốc tế để phát triển sản phẩm tại địa phương của Indonesia đang đạt hiệu quả. Quốc gia này là thị trường quan trọng đối với Apple,với hơn một nửa trong số 278 triệu người dân dưới độ tuổi 44.
Huy Đức