Bộ Công Thương: Cần lộ trình để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Khi sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu,Bộ Công Thương đề xuất cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần với 5 mặt hàng nhiên liệu (RON 95-III,E5 RON92,các mặt hàng dầu) và các yếu tố đầu vào như tỷ giá ngoại tệ,thuế tiêu thụ đặc biệt,VAT,thuế nhập khẩu. Dựa trên dữ liệu này,doanh nghiệp đầu mối,phân phối cộng thêm chi phí kinh doanh,lợi nhuận định mức để tính giá bán lẻ.

Tuy nhiên,tại dự thảo mới nhất,Bộ Công Thương cho biết Nhà nước chỉ công bố giá thế giới,các dữ liệu đầu vào của xăng RON 95-III và dầu diesel để doanh nghiệp tính,công bố giá.

"Hai mặt hàng này có tỷ trọng lớn,tiêu dùng phổ biến và ảnh hưởng tới đa số người tiêu dùng",Bộ Công Thương nêu. Quy định này cũng nhằm thí điểm,thăm dò để từng bước áp dụng giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường,theo nhà điều hành.

Ngoài ra,quá trình lấy ý kiến góp ý sửa nghị định kinh doanh xăng dầu,Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân kiến nghị doanh nghiệp được chủ động tính,quyết định giá bán theo cơ chế thị trường,Nhà nước không công bố chi phí kinh doanh,lợi nhuận định mức. Các thương nhân sẽ kê khai,công bố giá do mình quyết định.

Bộ Công Thương cho biết vẫn trình Chính phủ phương án doanh nghiệp được tự quyết giá xăng dầu như trên. Song,phương án này có ưu điểm là doanh nghiệp được chủ động quyết định giá bán,sát với Luật Giá 2023. Nhưng chi phí của họ khác nhau sẽ dẫn tới giá bán tại các khu vực vênh nhau.

"Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm,ảnh hưởng tới an ninh kinh tế,năng lượng. Nhà nước vẫn cần công cụ kiểm soát mặt hàng này. Việc thực hiện giá bán ngay theo cơ chế thị trường cần xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình",cơ quan này nêu quan điểm.

Nhân viên điều chỉnh bảng giá xăng tại góc đường Hai Bà Trưng - Trần Cao Vân (quận 1,TP HCM),tháng 4/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Hệ thống phân phối xăng dầu hiện tồn tại các loại hình,gồm thương nhân đầu mối,phân phối và đại lý bán lẻ,nhượng quyền.

Với thương nhân phân phối,dự thảo lần này Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1,doanh nghiệp phân phối chỉ được lấy xăng dầu từ đầu mối,không được mua bán chéo của nhau. Phương án 2 giữ như hiện tại,tức là họ được mua bán lẫn nhau.

Trước đó,nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định không cho thương nhân phân phối mua chéo xăng dầu sẽ hạn chế quyền kinh doanh của họ.

Song,theo nhà điều hành,việc thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau không tạo ra nguồn cung mới cho thị trường. Bởi việc đảm bảo nguồn cung thuộc về thương nhân đầu mối. Trong khi đó,việc cấm mua bán lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường.

"Các thương nhân trong từng phân khúc vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Quy định này cũng tạo động lực cho họ phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn",Bộ Công Thương cho biết.

Hơn nữa,Bộ này dẫn ý kiến của cơ quan kiểm tra,thanh tra cho rằng việc cho phép thương nhân mua của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp). Việc này làm tăng thêm chi phí dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp,khó kiểm soát nguồn cung.

Phương Dung

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Bài viết này được sao chép từ các phương tiện khác. Mục đích của việc in lại là để truyền tải thêm thông tin. Điều đó không có nghĩa là trang web này đồng ý với quan điểm của nó và chịu trách nhiệm về tính xác thực của nó và không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tất cả tài nguyên trên trang web này được thu thập trên Internet. Mục đích chia sẻ chỉ dành cho việc học và tham khảo của mọi người. Nếu có vi phạm bản quyền hoặc sở hữu trí tuệ, vui lòng để lại tin nhắn cho chúng tôi.
© Bản quyền 2009-2020 Báo công ty      Liên lạc với chúng tôi   SiteMap